Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội: Bài toán khó về lợi ích
VHO- Tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, UBND thành phố Hà Nội đã công bố Danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỉ đồng, trong đó có 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Nhiều chung cư cũ ở Hà Nội đã xuống cấp không đảm bảo an toàn cho người dân
Việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư (nhà tập thể) cũ đã được khởi động từ nhiều năm nay, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm vì chưa bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và nhân dân.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có hơn 1.500 tòa chung cư cũ phân bố tại hàng trăm khu khác nhau, xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1980. Đến nay, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm định được 344 nhà chung cư, trong đó có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Cách đây hai chục năm, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ. Nhưng cho đến nay, mới chỉ có 14/1.579 khu tập thể cũ được cải tạo, xây dựng lại.
Từ tháng 11.2018, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị với Trung ương cho phép Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù để giải quyết việc cải tạo các chung cư này. Bởi, chỉ riêng việc được tất cả các chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý để cải tạo đã là một điều khó vì một số hộ gia đình ở tầng 1 thường không đồng ý hoặc yêu cầu hệ số đền bù cao. Có những nhà đầu tư đã làm việc nhiều lần với chủ sở hữu các căn hộ, nhưng không đạt được tỷ lệ đồng thuận 100%. Trong khi đó, đối với các dự án này, nếu chỉ cần vài hộ không đồng thuận thì sẽ không giải phóng được mặt bằng và đồng nghĩa với việc không thể cải tạo, xây mới. Bên cạnh đó, cũng có thể thấy rõ, hầu hết các khu tập thể cũ đều nằm ở khu vực nội đô, còn được gọi là các khu “đất vàng”, do vậy sẽ có hạn chế về chiều cao của các toà nhà. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư khó nhìn thấy lợi nhuận thoả đáng khi bỏ tiền đầu tư, chưa nói đến rủi ro nếu như việc triển khai dự án gặp trục trặc, sẽ dẫn đến “chết” vốn.
Những năm gần đây, Hà Nội đã rất nỗ lực trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, tiến độ các dự án còn rất chậm do các khúc mắc ở cơ chế lợi ích các bên: Nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Một số nhà đầu tư cho rằng, các dự án cải tạo chung cư cũ cần được coi là một dạng phát triển nhà ở xã hội, do đó phải có những chính sách ưu đãi phù hợp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, đơn giản thủ tục để tạo sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư.
Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, đặc biệt là các khu chung cư xuống cấp mức độ đặc biệt nguy hiểm, phải được coi là biện pháp cấp bách để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị. Thành phố cho phép các chủ sở hữu được thống nhất lựa chọn nhà đầu tư xây dựng lại nhà chung cư trong một thời gian nhất định, nếu quá thời hạn mà chủ sở hữu không lựa chọn được chủ đầu tư thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ động lựa chọn chủ đầu tư và có những chính sách bảo đảm cho nhà đầu tư. Để tạo được nguồn vốn cho cải tạo chung cư cũ, thành phố cần giữ vai trò chủ chốt nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở cần tạo lòng tin cho người dân và các chủ đầu tư trong việc triển khai đầu tư. Đặc biệt các cấp chính quyền cần phải tham gia một cách trực tiếp vào quá trình đầu tư xây dựng chung cư cũ, tuyên truyền các cư dân trong và ngoài chung cư cũ nhận thức trách nhiệm trong công tác cải tạo và xây mới chung cư của chính họ.
Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô hy vọng sẽ “giải phóng các khu ổ chuột”, tạo mỹ quan đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
HOÀNG HƯƠNG